Trước kia, quận Gò Vấp thành phố Hồ Chí Minh mang hình ảnh một đô thị vùng ven với hạ tầng cơ sở kém phát triển. Dù có quỹ đất rộng lớn, địa hình cao với lợi thế gò đồi nhưng Gò Vấp chưa có điểm đột phá để thu hút dân cư và nhà đầu tư.
Song chỉ khoảng 10 năm trở lại đây, Gò Vấp đã có những bước phát triển vượt bậc, rũ bỏ được hình thái đô thị lộn xộn tạo nên sự lột xác về hình hài đô thị với những cung đường, những khu đô thị hiện đại.
Gò Vấp TP HCM là quận nội thành, nằm ở phía Bắc và Tây Bắc của thành phố. Từ những năm 80, quận Gò Vấp được xếp vào danh sách những quận có tốc độ đô thị hoá cao của TP.HCM, thậm chí có thời điểm không kiểm soát được. Cũng bởi quá trình đô thị hoá nhanh mà Gò Vấp trở thành một trong ba quận có tốc độ tăng dân số cơ học cao nhất TP.HCM và là quận đông dân thứ 2 chỉ sau quận Bình Tân.
Xét về vị trí địa lý, quận Gò Vấp nằm ở phía Bắc và Tây Bắc của TP.HCM, tiếp giáp các quận như sau:
Bản đồ quận Gò Vấp TP HCM.
Khoảng cách từ Gò Vấp đến các địa điểm dịch vụ tiện ích quan trọng:
Gò Vấp có diện tích tự nhiên 19,73km2. So với các quận khác, Gò Vấp thành phố Hồ Chí Minh có quỹ đất lớn nhưng tỷ trọng đất đai quân sự cũng nhiều. Địa hình chia thành 2 vùng: Vùng trũng đất thấp nằm dọc theo sông Bến Cát, vùng sản xuất nông nghiệp bị nhiễm phèn thường bị ngập khi triều cường lên dẫn tới năng suất cây trồng không cao. Trong khi đó, vùng cao chiếm phần lớn diện tích của quận, được sử dụng để xây nhà máy sản xuất công nghiệp. Đây cũng là nơi chủ yếu diễn ra quá trình đô thị hoá.
Theo Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số quận Gò Vấp TP HCM là 676.899 người, mật độ dân số đạt 34.308 người/km2.
Về phân chia hành chính, Gò Vấp được chia thành 16 phường, được đánh số từ 1 đến 17 (trừ số 2 không có) gồm: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17. Trong đó, Phường 10 là nơi đặt trụ sở nhiều cơ quan hành chính quan trọng của quận như Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân.
Quận Gò Vấp có hoạt động kinh tế đa dạng, từ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Kết quả hoạt động kinh tế nhiều năm trở lại đây có sự phát triển ổn định. Quận có 3 cụm công nghiệp tập trung tại các phường 5, 11 và 12. Ngoài ra, còn có các xí nghiệp nhỏ, tiểu thủ công nghiệp gia đình không gây ô nhiễm tồn tại và phát triển xen kẽ trong các khu dân cư.
Gò Vấp TP HCM quy tụ nhiều hình thức giao thông, từ đường bộ, đường không, đường tàu lửa, đường sông giúp cho lưu thông trên địa bàn quận rất nhộn nhịp.
Về đường bộ, theo cập nhật mới năm 2022, Gò Vấp có tổng cộng 113 tuyến đường, trong đó có 53 tuyến đường được đánh số thứ tự từ 1 đến 59, không có các tuyến đường 33, 34, 37, 44, 48 và 49. Những tuyến đường huyết mạch dẫn vào trung tâm thành phố như: Nguyễn Oanh, Phạm Văn Đồng, Phan Văn Trị, Nguyễn Kiệm, Quang Trung… được đầu tư khá đồng bộ, nhiều tuyến đường được mở rộng giúp giảm tình trạng kẹt xe mỗi ngày.
Từ đầu năm 2016, đường Phạm Văn Đồng đi vào hoạt động đã trở thành một trong những tuyến đường rộng và đẹp nhất TP.HCM, có nhiệm vụ kết nối với khu Bắc Sài Gòn, các quận nội đô và cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây cũng là tuyến đường “xương sống” nâng đỡ cho sự phát triển đô thị của quận sau này. Quốc lộ 1A cũng được nâng cấp xây dựng, kết nối với 2 tuyến metro số 1 và tuyến monorail số 3. Cầu vượt chữ Y tại điểm giao ngã sáu Gò Vấp và nút chữ N giao thông Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn đã đi vào hoạt động góp phần giảm tải áp lực giao thông kéo dài suốt nhiều năm qua.
Cầu vượt chữ Y hay cầu vượt ngã 6 Gò Vấp chính thức thông xe từ năm 2017 giúp người dân đi lại dễ dàng hơn, tạo sự thông thoáng cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông thành phố.
Đoạn tuyến đường sắt Thông Nhất từ ga Bình Triệu đến ga Hoà Hưng đi qua địa bàn quận Gò Vấp được quy hoạch cải tạo, nâng cấp thành đường sắt đôi đi trên cao và giao cắt khác mức với các tuyến đường bộ.
Tuyến đường sắt đô thị số 4 (Thạnh Xuân – Nguyễn Văn Linh) đi qua Phường 3 và Phường 17 của quận Gò Vấp là thuộc hệ thống Đường sắt đô thị TP.HCM. Hiện dự án đang trong quá trình kêu gọi đầu tư.
Tuyến tàu điện một đường ray số 3 khởi đầu từ ngã tư Phan Văn Trị, đi dọc đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp) và kết thúc tại Quận 12. Tuy nhiên, hiện tại, tuyến monorail số 3 vẫn chưa được nghiên cứu và chưa xác định dự kiên tiến độ thực hiện.
Sông Vàm Thuật là tuyến giao thông thủy vành đai trong quan trọng của TP.HCM và của Gò Vấp.
Gò Vấp chỉ cách sân bay Tân Sơn Nhất là 5,4km với khoảng 15 phút lái xe qua cung đường Phan Văn Trị, Nguyễn Kiệm, Bạch Đằng.
Không chỉ phát triển về hạ tầng giao thông, nhiều tiện ích, dịch vụ giải trí, thương mại đã mọc lên ồ ạt tại Gò Vấp TP HCM cho phép người dân Gò Vấp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ, tiện ích phát triển mà không phải mất công di chuyển vào Quận 1, Quận 3. Ngoài chợ đêm Hạnh Thông Tây thì hầu như các đại siêu thị, từ Emart, Vincom, Lotte Mart, Co.op Mart đều đã xuất hiện ở quận này. Các địa điểm dịch vụ trên địa bàn quận không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương mà còn thu hút người dân các quận, huyện lân cận làm cho Gò Vấp luôn sôi động.
Quận Gò Vấp có 7 bệnh viện gồm: Bệnh Viện Quận Gò Vấp, Bệnh Viện Quận Gò Vấp – Cơ sở 2, Bệnh Viện Quân Y 175, Bệnh viện Hồng Đức III, Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Tế Vũ Anh, Bệnh Viện Đa Khoa Hồng Đức 3, Bệnh viện Đa khoa Anh Minh, Trung tâm y tế quận Gò Vấp và nhiều phòng khám đa khoa, chuyên khoa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương. Dọc theo các tuyến đường lớn, nhỏ ở Gò Vấp cũng có nhiều nhà thuốc, quầy thuốc chuyên bán thuốc nội – ngoại nhập.
Bệnh viện Quân y 175 trực thuộc Bộ Quốc phòng, được đánh giá là một trong các bệnh viện chuyên khoa sâu nhất tại miền Nam.
Quận Gò Vấp có hệ thống trường học các cấp, từ mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ với 94 trường mầm non, 44 trường tiểu học, THCS, THPT.
Quận cũng là nơi tập trung nhiều trường đại học lớn, nhỏ như ĐH Công nghiệp, ĐH Công Nghiệp TP.HCM, ĐH Trần Đại Nghĩa, Đại học Nội vụ Hà Nội, Đại học Nguyễn Tất Thành (2 cơ sở).
Các trường cao đẳng trên địa bàn quận Gò Vấp TP HCM gồm: CĐ Kinh Tế Kỹ Thuật Miền Nam, CĐ Kỹ Thuật Vinhempich (Hệ Dân Sự), CĐ Kỹ Thuật – Công Nghệ Vạn Xuân, CĐ Văn Hoá Nghệ Thuật Và Du Lịch Sài Gòn, Cao đẳng Bách Việt, Cao đẳng y dược Hồng Đức, Cao đẳng Sài Gòn Gia Định, trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn…
Các trường trung cấp: Trường Sĩ quan Kỹ thuật Quân sự Vin-Hem-Pich Hệ Quân sự phía Bắc, Trường Sĩ quan Kỹ thuật Quân sự Vin-Hem-Pich Hệ Quân sự phía Nam, Hệ Trung cấp Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật miền Nam, Hệ Trung cấp Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân, Hệ Trung cấp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, Hệ Trung cấp Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Trường trung cấp Văn thư Và Lưu trữ Trung ương II, Trung cấp Âu Việt, Trung cấp Tổng hợp TP.HCM, Trung cấp Văn thư Lưu trữ Trung ương…
Các cơ sở giáo dục – đào tạo này đều có các ngành như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, tài chính – kế toán… Bên cạnh đó, quận cũng có nhiều trung tâm ngoại ngữ, trung tâm dạy nghề, năng khiếu…
Công viên Gia Định, công viên văn hoá Gò Vấp, công viên Làng Hoa, các trung tâm thể dục thể thao.
Quận Gò Vấp có rất nhiều điểm vui chơi, du lịch hấp dẫn mang đậm nét văn hóa đặc trưng ở nơi đây như:
Trung Tâm thương mại Emart 2 quận Gò Vấp hay đại siêu thị Emart Gò Vấp nằm trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp thuộc chuỗi siêu thị bán lẻ số 1 của Hàn Quốc. Emart 2 được xây dựng trên diện tích hơn 3 ha với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD. Vói diện tích sàn siêu rộng, đại siêu thị này cung ứng đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm đến thời trang, mỹ phẩm, hàng gia dụng, điện máy… đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân địa phương. Không chỉ phân phối đa dạng mặt hàng, nơi đây còn là trung tâm mua sắm, giải trí rộng lớn và là địa điểm check-in được đông đảo tín đồ sống ảo ưa chuộng bởi không gian thiết kế cực kỳ đẹp mắt và nghệ thuật.
Emart Gò Vấp trên đường Phan Văn Trị luôn đông đúc bất kể đầu tuần hay cuối tuần.
Nằm ngay tại số 2A đường Phan Văn Trị, Saigon Mall Gò Vấp là thiên đường mua sắm với 25.000 chủng loại sản phẩm. Người dân có thể tìm thấy bất cứ mặt hàng yêu thích nào tại đây, từ trang sức, mỹ phẩm, nước hoa đến các sản phẩm thời trang từ các thương hiệu lớn trên thế giới.
Vincom Plaza Quang Trung Gò Vấp có tổng diện tích sàn lên tới 22.000m2. Với không gian rộng rãi, tích hợp đầy đủ khu mua sắm, cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, siêu thị điện máy, siêu thị tiêu dùng, khu ẩm thực, nhà sách, khu vui chơi trẻ em… đây trở thành nơi lui tới của các gia đình vào thời gian rảnh rỗi, đặc biệt là các dịp cuối tuần, nghỉ lễ.
D-One Gò Vấp toạ lạc tại số 12 đường Phan Văn Trị, được coi là thiên đường ẩm thực – vui chơi – giải trí và mua sắm sôi động bậc nhất tại quận Gò Vấp thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, con phố đi bộ 3D dài nhất TP.HCM với những bức tranh 3D sống động tại đây trở thành nơi tham quan, chụp hình thu hút rất nhiều bạn trẻ.
Chợ Hạnh Thông Tây là địa điểm quá đỗi quen thuộc với người dân quận Gò Vấp. Nơi đây còn có tên gọi khác là chợ đồ si hay thiên đường đồ si thu hút đông đảo các bạn trẻ, tín đồ thời trang đến mua sắm. Chợ Hạnh Thông Tây có tổng diện tích gần 2.300m2, được xây dựng theo mô hình chợ truyền thống với hơn 400 sạp buôn bán. Mặc dù khu chợ bày bán rất nhiều mặt hàng nhưng nổi bật nhất là hàng thời trang với mẫu mã đa dạng và giá cả cực kỳ phải chăng. Ngoài ra, trong chợ cũng có khu ẩm thực với các món ăn bình dân, giá cả phải chăng. Ban ngày, chợ họp bán các sản phẩm bình thường như đồ gia dụng, đồ tươi sống, đồ ăn. Đêm đến, chợ mới thực sự sôi động và sầm uất bậc nhất tại Gò Vấp.
Chợ được xây dựng vào năm 1942, có tổng diện tích 8.465m2, chia thành 8 khu chính với gần 800 hộ kinh doanh. Chợ có các mặt hàng đa dạng phục vụ người dân và du khách nên nhộn nhịp suốt cả ngày lẫn đêm.
Với diện tích hơn 15.000m2, Quảng trường nhạc nước Hoà Bình có sức chứa lên đến 5.000 người. Điểm nhấn của quảng trường là khu nhạc nước với hệ thống vòi phun hiện đại kết hợp cùng hàng trăm đèn LED đổi màu tạo nên hiệu ứng ánh sáng – âm nhạc cực kỳ ấn tượng. Kể từ khi xuất hiện, quảng trường nhạc nước Hoà Bình đã trở thành nơi giao lưu văn hoá, nơi chụp ảnh sống ảo lý tưởng cho người dân Sài Gòn.
Với quy mô hơn 15.000m2, Quảng trường nhạc nước Hoà Bình không chỉ là điểm vui chơi, giải trí công cộng phổ biến mà còn là không gian giao lưu văn hóa tại TP.HCM
Là địa điểm rất hấp dẫn nhưng quá trình đô thị hoá đã làm thu hẹp diện tích những cánh đồng hoa. Tuy vậy, đến nay, công viên làng hoa vẫn thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán. Vương quốc hoa kiểng này là nơi quy tụ nhiều loại cây kiểu bonsai như si, tùng, bồ đè, xương rồng…
Miếu nổi Gò Vấp được xây dựng từ thế kỷ 18, là sự kết hợp hài hoà về văn hoá, kiến trúc của người Hoa với người Việt. Đây cũng là ngôi miếu linh thiêng với hàng trăm tượng rồng lớn, nhỏ được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ. Miếu cũng có hàng trăm bức phù điêu trên tường, trần và cột nhà. Với kiến trúc độc đáo, từ lâu, miếu nổi Gò Vấp thu hút đông đảo người dân bản địa cũng như du khách thập phương tới chiêm bái.
Lăng ông bà Chiểu quận Gò Vấp là quần thể di tích gồm mộ và đền thờ của Tống trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt và vợ ông. Công trình có kiến trúc cổ kính , có nhà bia lăng mộ, miếu thờ, vương cây cảnh. Hàng năm vào ngày 29/7 đến 2/8 âm lịch sẽ có lễ giỗ Lê Văn Duyệt, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách đến thể hiện sự tôn kính, cầu mong sức khoẻ, bình an cho gia đình.
Khu du lịch Văn Thánh có diện tích 7,7ha, sở hữu hồ nước rộng lớn cùng thảm thực vật phong phú mang lại cảnh quan thiên nhiên xanh mát, tránh xa mọi xô bồ của cuộc sống. Đây cũng là một trong những nơi vui chơi nổi tiếng rất được ưa thích tại quận Gò Vấp.
Khu du lịch Bình Quới Gò Vấp sở hữu không gian rộng lớn, có hồ nước mênh mông, thảm cỏ xanh bất tận. Với sức chứa khoảng 600, nơi đây được lựa chọn làm để phục vụ các bữa tiệc, họp mặt, hội nghị. Khi đến khu du lịch Bình Quới, du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian, câu cá, chèo thuyền và nếm thử các món ăn đậm chất Nam Bộ.
Có thể thấy rằng, Gò Vấp là một trong số ít quận của TP.HCM hội tụ những yếu tố thuận lợi để phát triển đồng bộ trong tương lai. Án ngữ ở vị trí cửa ngõ phía Bắc thành phố, cách trung tâm TP.HCM khoảng 20 phút chạy xe, nằm sát sân bay Tân Sơn Nhất… UBND quận cũng chú trọng đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường huyết mạch như Lê Đức Thọ, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Oanh, Nguyễn Kiệm, Quang Trung, Phan Văn Trị… Những ai sinh sống lâu năm tại đây đều có thể dễ dàng nhận thấy dự thay da đổi thịt từng ngày của Gò Vấp để trở thành một đô thị sầm uất. Minh chứng là sự xuất hiện của các chuỗi tiện ích hiện đại, các dự án bất động sản, những cung đường hiện đại… tất cả tạo nên một bức tranh hoàn toàn đối nghịch với một Gò Vấp ven đô trước đây.
Gò Vấp sở hữu nhiều cơ sở hạ tầng xã hội, tiện ích, dịch vụ đa dạng, chất lượng cao như trung tâm thương mại Emart Gò Vấp, Vincom Plaza, Saigon Mall Gò Vấp, khu bờ sông Dương Quảng Hàm, công viên cảnh quan, nhiều nhà hàng, quán cà phê đẹp… đáp ứng mọi nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm của người dân. Nơi đây cũng tập trung nhiều bệnh viện tuyến đầu giúp chăm sóc sức khoẻ người dân một cách tốt nhất. Đặc biệt, dù có là quận sở hữu nhiều tiềm năng nhưng giá bất động sản Gò Vấp vẫn còn tương đối mềm, thậm chí chỉ bằng khoảng một nửa so với các quận lân cận như Quận 1, Quận 3, Tân Bình, Phú Nhuận.
Hiện tại, Gò Vấp không còn quá nhiều quỹ đất trống, cùng với đó là chính sách siết dự án nhà ở cao tầng nên việc phát triển các dự án mới ở Gò Vấp không còn quá sôi động như các quận, huyện khác, tuy vậy đây vẫn là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước khi rót vốn vào thị trường bất động sản TP.HCM.
Các dự án tiêu biểu được phát triển bởi các chủ đầu tư tên tuổi, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo Gò Vấp có thể kể đến như: CT Plaza Nguyên Hồng, Cityland Park Hills, Mường Thanh Gò Vấp, Green Home Residence, Green Park Residences, Sunny Plaza, D-One Gò Vấp, Thiên Lộc Tower, cụm cao ốc Khang Gia Gò Vấp, Khu căn hộ vành đai Bình Lợi – Tân Sơn Nhất Mikasa Tower, Trung Tâm Thương Mại Emart 2 Gò Vấp, Khu căn hộ Masteri M-One Gò Vấp, Khu căn hộ Osimi Tower…
Một số loại hình kinh doanh bất động sản đang diễn ra tại thị trường Gò Vấp như: mua bán căn hộ, nhà phố, biệt thự, liền kề; chuyển nhượng đất đô thị; cho thuê văn phòng mini, nhà trọ giá rẻ, ký túc xá sinh viên… Thị trường bất động sản có tính phân khúc cao, mức giá và chất lượng đa dạng, đáp ứng nhu cầu an cư, đầu tư của nhiều đối tượng khách hàng. Cụ thể, khu vực nhà giá rẻ tập trung chủ yếu ở phía Tây quận Gò Vấp, là lựa chọn của người có thu nhập thấp, họ gia đình trẻ. Làn sóng di cư đến và làm việc tại đây kéo theo nhu cầu thuê phòng trọ Gò Vấp luôn tăng khiến thị trường nhà đất cho thuê Gò Vấp luôn sôi động. Tuy vậy, vì phần đông dân cư là công nhân, người lao động chân tay nên trình độ dân trí cũng như mức sống của khu vực này không cao. Khu vực phía Đông Gò Vấp tập trung nhiều dự án chung cư, khu dân cư lớn với sự hiện diện của loạt dự án tầm cỡ như CityLand Park Hills, CityLand Center Hills, CityLand Garden Hills cùng nhiều trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí… đáp ứng nhu cầu của nhóm cư dân có mức thu nhập trung bình cao.
Một dự án nhà phố thương mại trên mặt tiền đường Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp.
Tại Gò Vấp vẫn còn nhiều căn hộ được bán với giá dưới 2 tỷ, nhưng phổ biến hơn cả là các căn có từ 2-3 tỷ và từ 3-5 tỷ. Khách mua có nhiều lựa chọn từ nhiều loại hình tuỳ thuộc vào nhu cầu, điều kiện tài chính như căn 1 phòng ngủ, 2 phòng ngủ, 3 phòng ngủ đến căn penthouse. Thị trường căn hộ cho thuê ở Gò Vấp thành phố Hồ Chí Minh khá sôi động với hàng trăm lượt thuê mỗi tháng trong tầm giá từ 5-10 triệu, 10-20 triệu thường là các căn hộ 1 phòng ngủ hoặc 2 phòng ngủ.
Mặt bằng chung giá nhà liền thổ Gò Vấp rẻ hơn so với các quận trung tâm nhưng trong chu kỳ 10 năm trở lại đây, giá nhà đất TP.HCM đã tăng khoảng 3 lần và thị trường Gò Vấp cũng không ngoại lệ. Khảo sát trên các tuyến đường Nguyễn Văn Lượng, Nguyễn Kiệm, Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh, các căn nhà trong hẻm nhỏ có mức không dưới 3 tỷ đồng, phổ biến hơn cả là mức 3-5 tỷ đồng, 5-7 tỷ đồng và 7-10 tỷ đồng. Riêng các căn nhà mặt tiền đường, thuận lợi kinh doanh buôn bán có thể lên đến 9-15 tỷ đồng mỗi căn. Với ngân sách dưới 2 tỷ đồng, vẫn có thể kiếm được một căn nhà riêng tại quận Gò Vấp vì nguồn cung nhà ở mức giá này vẫn còn, tuy nhiên, người mua sẽ phải chấp nhận nhà nằm trong hẻm và diện tích nhỏ. Đơn cử, căn nhà 1 trệt 2 lầu diện tích 35m2 nằm trong hẻm xe hơi trên phố Nguyễn Tư Giản (Phường 12) đang được chủ nhà rao bán với giá 1 tỷ 510 triệu đồng tặng kèm nội thất cơ bản. Các tuyến đường có giá nhà nổi bật cao thường là các tuyến đường xuyên trục, xoay quanh nút giao thông kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực Phường 10 hay trên các tuyến đường được nâng cấp như đường Phan Văn Trị (110-1230 triệu đồng/m2), Nguyễn Oanh (90-140 triệu đồng/m2), Nguyễn Thái Sơn (120-210 triệu đồng/m2), Quang Trung (110-160 triệu đồng/m2), Phạm Văn Đồng (100-160 triệu đồng/m2).
Hiện Gò Vấp TP HCM đang triển khai một loạt các dự án đền bù, giải toả nhằm mục đích nâng cấp, mở rộng đường, xây mới cơ sở hạ tầng, tiện ích xã hội. Do vậy, khi thực hiện các giao dịch liên quan đến bất động sản Gò Vấp, người mua cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề pháp lý, tra cứu kỹ lưỡng thông tin quy hoạch để tránh những rủi ro không đáng có.
Xem thêm: Quy hoạch các Quận TP Hồ Chí Minh
Quý khách điền thông tin bên dưới chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất