Thông tin được Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm đưa ra tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan ngày 11/8, để góp ý về kế hoạch thí điểm mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD) tại TP HCM. Đô thị nén là nơi có mật độ định cư cao, diện tích nhỏ nên chủ yếu phát triển về chiều cao và không gian phía trên. Đây là khu vực có ranh giới rõ ràng với xung quanh và đầy đủ dịch vụ.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm tại buổi làm việc.
TOD là mô hình lấy định hướng phát triển giao thông công cộng để quy hoạch, xây dựng đô thị. Mô hình này đã phổ biến ở nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore nhưng chưa triển khai trong nước. Nghị quyết 98 cho TP HCM thí điểm mô hình trên, với việc được dùng ngân sách làm dự án đầu tư công độc lập để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án vùng phụ cận nhà ga của các tuyến đường sắt, nút giao Vành đai 3. UBND thành phố cũng được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, xã hội tại những dự án này.
Ông Lâm cho biết cơ chế trên là điều kiện để thành phố điều chỉnh quy hoạch, thu hồi, đấu giá đất vùng phụ cận các đầu mối giao thông lớn để phát triển khu đô thị mới với mật độ dân cư đông, hạ tầng đồng bộ. Mô hình trên cũng giúp khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn.
Theo đó, thành phố muốn thí điểm mô hình TOD ở khu vực nhà ga Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), các nút giao Vành đai 3, vì đây là hai dự án đang xây dựng, các đầu mối giao thông chính cũng đã xác định. Giai đoạn sau, mô hình trên sẽ được nghiên cứu cho nhiều tuyến đường sắt khác và Vành đai 4, cao tốc TP HCM - Mộc Bài...
Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP HCM, dài gần 20 km, gồm 11 ga trên cao và ba ga ngầm. Phần lớn các nhà ga của tuyến dọc bên xa lộ Hà Nội, nơi đã có mật độ dân cư tập trung lớn. Trong khi tuyến Vành đai 3 đoạn qua TP HCM dài hơn 47 km, với một số nút giao liên thông lớn với các tỉnh xung quanh như Tân Vạn, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Long Thành - Dầu Giây, Tỉnh lộ 10...
Đoàn tàu của Metro số 1 chạy thử đoạn trên cao qua khu vực đô thị ở TP Thủ Đức, tháng 4/2022
Theo ông Lâm, TOD là phát triển đô thị trên cơ sở gắn với các đầu mối giao thông lớn. Do vậy, những đầu mối này phải hình thành trước hoặc đang làm thì việc triển khai mới đạt hiệu quả. "Mô hình trên là cơ hội rất lớn cho thành phố, song thời gian thí điểm các cơ chế mới không dài, chỉ 5 năm nên phải đẩy nhanh tiến trình thực hiện", ông Lâm nói.
Tại buổi làm việc, đại diện một số quận huyện cho biết đã rà soát quy hoạch trên địa bàn và tính toán một số khu đất có thể phát triển theo mô hình TOD. Trong đó, tại quận Tân Bình, khu đất rộng khoảng 5 ha gần Metro Bến Thành - Tham Lương được đánh giá có nhiều tiềm năng. Ngoài ra, một số địa phương khác như huyện Bình Chánh, Hóc Môn... cũng đang rà soát các khu đất để thành phố đưa vào kế hoạch triển khai theo mô hình này.
Ông Hà Minh Tân, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Nhà Bè, nói trước đây việc triển khai dự án đường Nguyễn Hữu Thọ ở phía Nam thành phố có một số nội dung tương đồng với việc phát triển đô thị theo mô hình TOD. Trong đó, nhà nước bỏ ngân sách làm đường, đền bù và thu hồi đất dọc bên, sau đó bán đấu giá để nhà đầu tư phát triển đô thị. Việc này dù chưa được bài bản, toàn diện như mô hình TOD, nhưng là kinh nghiệm để triển khai các đầu việc sắp tới.
Ông Tân đề xuất trong quá trình điều chỉnh quy hoạch phát triển theo TOD, thành phố chỉ nên đưa ra các chỉ tiêu cơ bản như tỷ lệ đất cho giao thông, thương mại, không gian công cộng... Còn khi đi vào chi tiết nên để nhà đầu tư tính toán và đề xuất theo ý tưởng của họ nhằm phù hợp nhu cầu, thu hút doanh nghiệp tham gia..