Bình luận về các điểm mới của Luật Đất đai sửa đổi, chuyên gia cho rằng Luật Đất đai sẽ giải phóng tâm lý co cụm, né tránh của cán bộ thực thi chính sách. Đồng thời, khơi thông nguồn lực đất đai.
Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, riêng Điều 190 và Điều 248 của luật này có hiệu lực thi hành từ 1/4/2024.
Về các điểm mới sửa đổi trong Luật Đất đai lần này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nếu liệt kê chi tiết sẽ có hàng trăm điểm mới. Tuy nhiên, có 5 nhóm vấn đề mới rất quan trọng.
Thứ nhất là các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người sử dụng đất; nhóm này có rất nhiều quy định, có nội dung được thảo luận nhiều như mở rộng quyền sử dụng đất với đối tượng là công dân Việt Nam; chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai là các quy định tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, điều 79 (thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) được thiết kế thu hồi đất phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này đã được thiết kế mới, thể chế hóa đầy đủ điều 54 của Hiến pháp về việc chỉ thu hồi đất trong trường hợp thực sự cần thiết.
Luật Đất đai (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 (Hình ảnh: Căn hộ Eaton Park )
Thứ ba là các quy định nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Ví dụ các nội dung như: đất sử dụng đa mục đích, giới hạn khi chuyển mục đích sử dụng đất đã thu hẹp lại trường hợp phải xin phép, nhận chuyển đổi đất nông nghiệp...
Thứ tư là các quy định về tài chính đất đai, trong đó đã tách bạch vấn đề định giá đất, bảng giá đất, ổn định tiền thuê đất, doanh nghiệp trả tiền thuê đất hàng năm.
Thứ năm là quy định nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý Nhà nước về sử dụng đất đai. Trong đó đã yêu cầu cắt giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.
Bình luận về Luật Đất đai vừa được thông qua, chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng các quy định mới này được kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực để phát triển mạnh mẽ loại hình nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân thời gian tới, giúp tạo lập chỗ ở cho các nhóm đối tượng yếu thế như người thu nhập thấp, công nhân, người lao động tại khu công nghiệp…
"Luật Đất đai được thông qua, đồng bộ với các luật: Kinh doanh bất động sản, Nhà ở được kỳ vọng sẽ tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, tạo động lực để hình thành các tập đoàn lớn, chuyên nghiệp, giúp nguồn lực đất đai được khai phá, sử dụng hiệu quả", ông Đỉnh nói.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam khẳng định, nếu pháp lý chưa hoàn thiện thì doanh nghiệp rất khó làm, nhất là khi thị trường bất động sản đang trầm lắng như hiện nay.
Luật Đất đai vừa được thông qua là tín hiệu vui, giúp doanh nghiệp có thể tính toán đường hướng phát triển cho giai đoạn mới (Hình ảnh: Đông Tăng Long )
Bởi vậy, Luật Đất đai vừa được thông qua là tín hiệu vui, giúp doanh nghiệp có thể tính toán đường hướng phát triển cho giai đoạn mới. Đặc biệt, sẽ giải phóng tâm lý co cụm, né tránh của cán bộ thực thi chính sách.
Cộng đồng doanh nghiệp mong đợi Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua và các luật liên quan như Nhà ở, Kinh doanh bất động sản cùng có hiệu lực sẽ tác động mạnh đến sự phát triển, hồi phục của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, các dự án triển khai thủ tục đầu tư từ năm 2022 đến khi các luật này cùng có hiệu lực (2025) thì sẽ chịu tác động lớn do những thay đổi về hành lang pháp lý.
Do đó, doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng quan tâm vấn đề chuyển tiếp các dự án nằm trong thời kỳ thay đổi giữa luật cũ và luật mới và có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp khi thực hiện. Việc ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể, kịp thời cũng rất quan trọng, sẽ giúp cho những khó khăn được khơi thông và thúc đẩy sự hồi phục tích cực của thị trường bất động sản - ông Hiệp bày tỏ.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW kỳ vọng, Luật Đất đai mới nhất được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng đất chặt chẽ có hiệu quả, tháo gỡ các vấn đề là điểm nghẽn về nguồn lực đất đai. Điển hình như về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, giá đất, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư.
Cùng đó là thuế - công cụ thuế góp phần thúc đẩy chuyển dịch đất đai đóng góp cho nguồn thu ngân sách, nguồn thu của Nhà nước, nguồn thu của xã hội sẽ sát thực tế; đồng thời giúp hoàn thiện vấn đề vốn hóa đất đai, vốn hóa quyền sử dụng đất thúc đẩy thị trường bất động sản…
Việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi được cả xã hội đón nhận với mong đợi những điểm nghẽn, nút thắt về chính sách sẽ nhanh chóng được tháo gỡ và loại bỏ. Từ đó, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai; góp phần tạo ra những nguồn lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Quý khách điền thông tin bên dưới chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất