Sáng 18/6, Bộ Giao thông-Vận tải phối hợp với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk đồng loạt tổ chức lễ khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm gồm: đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh và đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột.
Các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khởi công dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu
Tham dự lễ khởi công cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, về phía Trung ương có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Tài chính…
Về phía địa phương có ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; đại diện chủ đầu tư, nhà thầu và người dân… đã tham dự buổi lễ.
Về phía tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tỉnh Đồng Nai tham dự lễ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - ông Nguyễn Hồng Lĩnh tham dự lễ khởi công
Bí thư Tỉnh ủy - ông Phạm Viết Thanh và các đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham dự lễ khởi công
Các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự lễ khởi công đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dự lễ khởi công.
Ông Kiều Anh Mận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh báo cáo về quá trình chuẩn bị triển khai dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Đại diện các nhà thầu thi công tham dự lễ khởi công
Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 dự án thành phần. Dự án thành phần 3 dài khoảng 19,5 km đi qua địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu, tổng mức đầu tư 4.964 tỷ đồng.
Sơ đồ hướng tuyến, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu
Điểm đầu dự án thành phần 3 tại Km34+200, đường Tô Nguyệt Đình, xã Phước Bình (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), giáp ranh với địa phận TX.Phú Mỹ. Điểm cuối tại nút giao QL56 thuộc xã Hòa Long (TP.Bà Rịa).
Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đi qua địa phận TX.Phú Mỹ khoảng 15,5km (phường Mỹ Xuân, phường Hắc Dịch, xã Tóc Tiên và xã Châu Pha); TP.Bà Rịa khoảng 4km (xã Tân Hưng, xã Hòa Long).
Mô hình một nút giao đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu
Việc đầu tư hoàn thành dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 để đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải; đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại lễ khởi công dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: hệ thống chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vào cuộc, thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để khởi công dự án.
Đến nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đã đạt 90%. Tỉnh đã bố trí đủ vốn ngân sách tỉnh để thực hiện các nội dung công việc thuộc nhiệm vụ của địa phương; hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án như lựa chọn, ký hợp đồng với nhà thầu, chuẩn bị sẵn nguồn nguyên vật liệu, bảo đảm có thể triển khai thi công dự án ngay sau lễ khởi công.
“Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu là dự án giao thông trọng điểm mà Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 154 của Chính phủ về phát triển vùng Đông Nam Bộ, xác định đến năm 2026 phải hoàn thành đưa vào sử dụng, nhằm mở ra tuyến giao thông kết nối các địa phương trong khu vực với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, giúp giảm tải, phá thế độc đạo của tuyến QL51 hiện hữu. Khi công trình đưa vào hoạt động, thời gian di chuyển từ TP.Hồ Chí Minh đến Bà Rịa dự kiến rút xuống chỉ còn 70 phút thay vì 150 phút như hiện nay. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau khi hình thành sẽ cơ bản giải quyết bài toán giao thông liên vùng, phát huy tối đa lợi thế của cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, qua đó giúp DN giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, tạo động lực để vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.
Quý khách điền thông tin bên dưới chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất