Sau khi sáp nhập ba địa phương TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các trục giao thông kết nối liên vùng, trở thành yếu tố then chốt để khai thác tối đa tiềm năng liên kết vùng.
Các tuyến đường huyết mạch như cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Quốc lộ 51, đường Vành đai 3, Vành đai 4, cùng với hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải và sân bay Long Thành sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc kết nối giao thương, thúc đẩy logistics và phát triển kinh tế vùng.
Đây là cơ hội lớn để hình thành một vùng kinh tế đô thị – công nghiệp – cảng biển hiện đại và bền vững. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng đó, cần có sự đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ và có tầm nhìn dài hạn vào hạ tầng giao thông nhằm giải quyết các điểm nghẽn, nâng cao năng lực vận tải và tạo động lực lan tỏa phát triển cho toàn vùng.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM.
Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông TP.HCM
PV: Ông đánh giá như thế nào về hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các trục giao thông kết nối liên vùng, sau khi hợp nhất ba địa phương: TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu?
Ông Lương Minh Phúc: Sau khi hợp nhất ba địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhu cầu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các trục giao thông kết nối liên vùng, sẽ tăng lên rất nhanh.
Chúng tôi đánh giá rằng, giai đoạn 2026 – 2030 sẽ là giai đoạn phát triển vượt bậc về hệ thống giao thông kết nối giữa ba địa phương, nhằm tạo không gian phát triển, tạo động lực và tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, Ban Giao thông cùng với Sở Xây dựng và các đơn vị của ba địa phương đang tập trung chuẩn bị triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM, với mục tiêu thông xe vào cuối năm 2025, đồng thời khởi công dự án Vành đai 4 trong năm 2026. Song song đó, năm trục cao tốc hướng tâm gồm: cao tốc Long Thành – Dầu Giây, TP.HCM – Trung Lương, Bến Lức – Long Thành, TP.HCM – Mộc Bài và TP.HCM – Bình Phước cũng đang đồng loạt triển khai.
Cụ thể, cao tốc Mộc Bài sẽ khởi công vào tháng 9 này; tuyến TP.HCM – Bình Phước đã khởi công từ tháng 4 vừa qua; ba tuyến còn lại cũng đang có kế hoạch mở rộng mặt cắt.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dự kiến sẽ được khởi công trong năm 2025
Như vậy, cùng với hai tuyến vành đai, năm cao tốc hướng tâm và hàng loạt dự án kết nối liên vùng, chúng ta sẽ hình thành một không gian phát triển mới, động lực mới và nguồn lực mới cho Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng.
Một thuận lợi rất lớn là khi các địa phương được hợp nhất, ranh giới địa chính sẽ không còn là trở ngại trong việc bổ sung vốn, điều chỉnh dự án hay phối hợp thi công như trước đây. Chúng tôi cho rằng đây là điều kiện rất thuận lợi, là sự đột phá về cơ chế để có thể đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm, đồng thời huy động thêm nhiều nguồn lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển trong thời gian tới.
Toàn cảnh cầu đường Nguyễn Khoái sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2025
PV: Ông có thể cho biết hiện nay hạ tầng giao thông khu vực phía Nam TP.HCM đang được triển khai như thế nào? Và trong thời gian tới, các dự án này sẽ tiếp tục được đầu tư, đẩy mạnh phát triển ra sao, thưa ông?
Ông Lương Minh Phúc: Nếu so sánh với đặc điểm chung của hệ thống giao thông thành phố, chúng ta có thể thấy rằng các cửa ngõ phía Đông và phía Tây Bắc hiện nay đã có rất nhiều dự án được triển khai. Riêng các cửa ngõ phía Nam của TP.HCM hiện đang được đầu tư mạnh mẽ hơn để cân đối lại với sự phát triển chung.
Cụ thể, bên cạnh việc cải tạo tuyến đường Lê Văn Lương và thay thế bốn cây cầu sắt hiện hữu bằng bốn cây cầu bê tông cốt thép, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển trục đường Nguyễn Hữu Thọ, hướng tới hình thành một trục Bắc – Nam mới, kết nối trực tiếp vào cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Song song đó, sau khi Quốc lộ 50 hoàn thành, dự án cầu đường Bình Tiên cũng sẽ được khởi công vào cuối năm nay. Khi đó, chúng ta sẽ có thêm một trục Bắc – Nam mới, là cửa ngõ đấu nối trực tiếp với cao tốc Bến Lức – Long Thành, thông qua trục Nguyễn Hữu Thọ. Đây cũng là một phần của tuyến Vành đai 3 TP.HCM.
Phối cảnh tuyến Vành đai 4 TP.HCM có tổng mức đầu tư 122.000 tỷ
Mô phỏng dự án nâng cấp, mở rộng đường trục Bắc - Nam, một trong 5 dự án BOT trên đường hiện hữu được thực hiện theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98
Trong tương lai gần, chúng ta sẽ khởi công cầu Cần Giờ để kết nối khu vực phía Nam thành phố với huyện Cần Giờ. Đồng thời, sẽ hình thành một tuyến đường trên cao kết nối khu Nam TP với sân bay Long Thành. Cầu Cát Lái mới trong tương lai cũng sẽ đóng vai trò kết nối giữa Nhơn Trạch (Đồng Nai) với Nhà Bè.
Một dự án rất tiềm năng khác là trục động lực kết nối TP.HCM – Long An – Tiền Giang, song song với Quốc lộ 50 hiện nay. Đây là những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 5 năm tới, nhằm tạo ra sự phát triển tương xứng với tiềm năng của các khu đô thị phía Nam TP.HCM
PV: Vâng, xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho chúng tôi trong cuộc trao đổi này.
Quý khách điền thông tin bên dưới chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất