Báo cáo quý I của Nhà Thủ Đức cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2022, thị trường đất nền có sự tăng trưởng về lượt quan tâm, thể hiện qua lượng người dùng tìm kiếm lên cao, trong bối cảnh lạm phát đang trở thành mối lo ngại của giới đầu tư.
Từ tháng 2, các loại tài sản liền thổ và đất nền dự án có mức độ quan tâm tăng mạnh ở nhiều tỉnh thành. Trong đó, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng là 3 khu vực có mức tăng mạnh nhất, lần lượt là 41%, 35% và 32%. Hai thành phố lớn TP HCM và Hà Nội có mức quan tâm đến tài sản liền thổ tăng lần lượt 18% và 8%.
Đánh giá về xu hướng gia tăng nhu cầu tìm kiếm thông tin đất nền trên các chợ trực tuyến, Nhà Thủ Đức cho biết, do lo ngại về trượt giá và lạm phát khi tiền được bơm ra thị trường qua các gói kích thích kinh tế và giải ngân đầu tư công, nhu cầu tích lũy tài sản gắn liền với đất làm kênh trú ẩn an toàn sẽ tăng lên trong năm nay.
Ngoài ra, đất nền thuộc loại tài sản có giá vừa túi tiền hơn so với các bất động sản liền thổ khác như nhà phố, biệt thự hay shophouse nên sẽ hút các dòng vốn quy mô trung bình khá trở lên. Tuy vậy, hiện tượng nóng sốt đất nền chỉ diễn ra cục bộ ở một số địa phương hưởng lợi từ quy hoạch, hạ tầng.
Đơn vị này dẫn nguồn dữ liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Tình hình chính trị thế giới cũng tác động đến hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Do tác động của việc tăng giá dầu, kim loại quý và vật liệu xây dựng, giá bất động sản có xu hướng tăng trong 3 tháng đầu năm và sẽ còn tiếp tục biến động trong thời gian tới.
Đơn vị này xác nhận, dù giá bất động sản tăng lên trong quý I nhưng thanh khoản thị trường chưa tương xứng với biến động giá cả. Các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cần lưu ý khi giá neo ở mức cao có thể dẫn đến gặp khó khăn trong thanh khoản, từ đó nên điều phối, quản lý dòng tiền đầu tư theo hướng thận trọng hơn.